Caùc vieäc aùc khoâng laøm, moãi naêm ñöôïc bình an.
Caùc vieäc thieän neân laøm, haèng naêm ñöôïc nhö yù

luanlydaoduc.vn

NẾU KHÔNG THỂ BUÔNG XẢ TỰ TƯ TỰ LỢI, THÌ CÁNH CỬA ĐẦU TIÊN KHÔNG THỂ ĐỘT PHÁ

NẾU KHÔNG THỂ BUÔNG XẢ

TỰ TƯ TỰ LỢI THÌ CÁNH CỬA

ĐẦU TIÊN KHÔNG THỂ ĐỘT PHÁ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Cái gì là nghiệp chướng?

Nghiệp chướng quá nhiều, có lẽ nói không hết, kiến tư phiền não là nghiệp chướng, trần sa phiền não là nghiệp chướng, vô minh phiền não là nghiệp chướng, đâu thể nói hết được.

Thế nhưng nghiệp chướng có căn, chúng ta phải tìm cho ra cái căn đó, tu từ căn bản sẽ rất nhanh chóng. Tổ Sư Đại Đức Tông Môn, Giáo Hạ của chúng ta thường hay dạy người tu từ căn bản.

Căn bản là gì vậy?

Căn bản là tâm, cũng chính là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm vẫn có căn bản.

Căn bản của căn bản là gì vậy?

Là tự tư tự lợi. Cho nên, nếu không thể buông xả tự tư tự lợi thì cánh cửa đầu tiên sẽ không thể đột phá được. Tự tư tự lợi, trong Kinh Kim Cang nói là tướng ngã, chấp ngã. Nửa bộ sau là giảng ngã kiến.

Phật ở trong Kinh nói: Nếu Bồ Tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không phải Bồ Tát.

Thông thường mọi người đều đem tiêu chuẩn của Kinh Kim Cang đánh giá cao rồi, tức không phải Bồ Tát, vị Bồ Tát đó là Bồ Tát gì vậy?

Nếu nói Pháp Thân Bồ Tát thì cái nhìn này cao rồi. Cách nhìn của tôi không cao như vậy, tức không phải Bồ Tát phải nên nói là tức không phải Bồ Tát quả vị sơ tín của Viên Giáo, vậy mới chân thật phù hợp nghĩa Kinh.

Bồ Tát quả vị sơ tín đã phá tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong Tam Giới rồi. Thân kiến, biên kiến, giới thủ kiến, kiến thủ kiến, tà kiến đều xa lìa rồi ở tiểu thừa tương đương với Sơ Quả Tu Đà Hoàn.

Các bạn thử nghĩ, cách nói này của tôi có đạo lý hay không?

Bồ Tát như vậy mới chân thật gọi là nhập môn. Từ đó về sau, tu hành thuận buồm xuôi gió vì cửa khó đầu tiên đột phá rồi. Các đồng tu chúng ta, bất luận tại gia hay xuất gia, thiện căn của mỗi một người đều rất sâu dày, vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp tu hành, nhưng chính là do một cửa này chưa đột phá, cho nên vẫn là phàm phu sanh tử như xưa.

Nếu như chứng được Sơ quả tiểu thừa, Bồ Tát quả vị sơ tín Viên giáo đại thừa, thì người này chính là Thánh Nhân. Chúng ta nói Tứ quả La Hán, Tứ quả Thánh Nhân, nghĩa là họ là Sơ quả, họ siêu phàm nhập thánh rồi. Tuy vẫn chưa ra khỏi tam giới, nhưng nhất định không rơi vào ba đường ác, đây là điều chắc chắn.

Tiểu thừa bắt đầu từ ngày này, qua lại bảy lần Cõi Trời và nhân gian là chứng quả A La Hán. Bồ Tát đại thừa gặp duyên thù thắng thì trong một đời là có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi.

Ý nghĩa đích thực của Kinh Kim Cang là ở chỗ này, chúng ta phải biết. Nói pháp thân Bồ Tát là quá cao rồi, cách chúng ta quá xa, chúng ta tự mình rất khó đề khởi tâm cảnh giác, dường như ta bị tụt hậu quá xa, thôi buông, đời này ta không có phần.

Nói với bạn, Bồ Tát quả vị sơ tín thì cách chúng ta rất gần, một bước này, vừa bước vào thì chúng ta liền nhập môn. Hay nói cách khác, ngã kiến hay còn gọi là chấp ngã không thể buông bỏ thì bạn vô phương rồi, rốt cuộc bạn vẫn ở bên phía lục đạo luân hồi này, bạn không thể bước qua được một bước này.

***